Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang dần phục hồi sau những khó khăn

xuat-khau-go

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 10 tháng năm 2023 chỉ đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Dự tính, kim ngach xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2023 sẽ chỉ đạt hơn 14 tỷ USD, thấp hơn gần 3 tỷ USD so với mục tiêu 17 tỷ USD đề ra từ đầu năm…

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 khó đạt mục tiêu đề ra.

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong tháng 10/2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 1,28 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng 10/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 0,9% so với tháng 10/2022; còn lại 0,08 tỷ USD là từ lâm sản ngoài gỗ.

XUẤT KHẨU SẢN PHẨM GỖ VẪN GIẢM SÂU

Trong nhóm ngành hàng gỗ, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén trong tháng 10/2023 đem về 410 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 790 triệu USD, tăng 4% so với tháng 9/2023 và tăng 0,3% so với tháng 10/2022.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,65 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đem về 0,85 tỷ USD và xuất khẩu nhóm ngành hàng gỗ đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản, do tổng cầu giảm bởi tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ lớn, khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gỗ liên tục suy giảm kể từ đầu năm 2023.

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Chỉ dấu cho thấy, sự hồi phục thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đã tăng mạnh trở lại trong tháng 9 và tháng 10/2023, góp phần thu hẹp mức giảm trong 10 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ghế khung gỗ trong tháng 9/2023 tăng 19,6% so với tháng 9/2022; trong tháng 10/2023 tăng 21% so với tháng 10/2023. Xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn đạt 148 triệu USD trong tháng 9/2023, tăng 38,2% so với tháng 9/2022; đạt 152 triệu USD trong tháng 10/2023, tăng 37% so với tháng 10/2022. Đặc biệt xuất khẩu dăm gỗ trong tháng 10/2023 tăng tới 30% so với tháng 10/2022.

Mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng gần đây đã tăng trưởng dương, nhưng do kim ngạch xuất khẩu giảm sâu trong nửa đầu năm, nên khó đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ “lỗi hẹn” với mục tiêu tăng trưởng, 2024 vẫn  còn nhiều thách thức - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD, nên đầu năm 2023, Chính phủ giao chỉ tiêu cho toàn ngành: xuất khẩu gỗ và lâm sản trên 17 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD. Tuy nhiên, với kết quả 10 tháng năm 2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự tính kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm 2023 sẽ chỉ đạt 15 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt khoảng 13,6 tỷ USD đến 14 tỷ USD.

DOANH NGHIỆP NGÀNH GỖ CẦN SỚM THÍCH ỨNG VỚI EUDR

EU sẽ chính thức áp dụng Quy định chống mất rừng (EUDR) vào tháng 12/2024, đây sẽ là vấn đề tác động rất lớn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tương lai.

TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam, cho biết năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU gần 700 triệu USD gỗ và các sản phẩm gỗ. Các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp, có chứng chỉ bền vững như từ EU và Hoa Kỳ.

Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển đổi rừng tự nhiên sang các mục đích sử dụng khác nên diện tích rừng tự nhiên không có biến động đáng kể. Hơn nữa, các nhà mua tại EU đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, như các sản phẩm có chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững FSC.

Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT, cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp và không gây mất rừng. Hiện Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và xuất khẩu. Do đó, theo TS Tô Xuân Phúc, ít có khả năng Việt Nam bị EU xếp loại rủi ro mất rừng cao nếu cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh điều này.